Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên có những gợi ý chính sách để đưa Phú Quốc vượt lên hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Cơ chế Phú Quốc chưa vượt trội
Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, có diện tích tự nhiên 58.927,50 ha. Thành phố này có điều kiện thuận lợi về khí hậu, bờ biển dài bao quanh đảo với nhiều bãi biển đẹp; có nhiều đồi núi và rừng nguyên sinh với hệ sinh thái phong phú; có sông suối và nguồn nước ngọt bảo đảm cho sinh hoạt và phát triển sản xuất.
Phú Quốc có diện tích mặt biển giáp với các nước ASEAN, gần đường vận chuyển hàng hoá quốc tế từ Đông sang Tây, cách Thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay, gần với các trung tâm du lịch phát triển và công nghiệp của các nước trong khu vực.
Phú Quốc là một tọa độ phát triển khác biệt trên nhiều phương diện về tiềm năng, lợi thế phát triển, năng lực thu hút đầu tư, và tăng trưởng.
Đó là kết quả của một tư duy phát triển theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá vượt bậc.
Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn chỉ được hưởng các cơ chế, chính sách chung cả nước về khu kinh tế. Các cơ chế chính sách đã và đang áp dụng thực hiện cho Phú Quốc chưa vượt trội, đột phá và chưa tận dụng, phát huy hết tiềm lực thế mạnh của Phú Quốc.
Thực tế cũng cho thấy, trong quá trình phát triển, Phú Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, còn chịu những ràng buộc, hạn chế về cơ chế, chính sách và phân bổ nguồn lực.
Thành phố Phú Quốc cơ bản vẫn vận hành trong khung khổ thể chế của một đơn vị hành chính cấp huyện thông thường, với mức độ lệ thuộc cơ chế, chính sách và ngân sách rất cao.
Chính khung khổ thể chế “thông thường” là một trong những nguyên nhân chủ yếu hạn chế khả năng phát huy năng lực, thu hẹp các cơ hội phát triển khác thường và to lớn (tầm quốc gia và toàn cầu) của Phú Quốc.
Vì vậy, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục “mở và nâng tầm phát triển” cho Phú Quốc, xác định rõ và đúng tầm vị thế vùng – quốc gia (động lực tăng trưởng, chức năng dẫn dắt và lan tỏa phát triển) và quốc tế (tiên phong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu và trong khu vực) đặc biệt của Phú Quốc.
Tạo điều kiện để Phú Quốc phát triển theo logic “tiến vượt”, nhanh chóng khẳng định tư cách một thế lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế hàng đầu của nền kinh tế. Cần coi đây là sứ mệnh quốc gia, là nhiệm vụ chiến lược ưu tiên của cả nước và của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long chứ không phải là nhiệm vụ “đặc thù”, riêng biệt của Kiên Giang, chủ yếu phục vụ lợi ích phát triển cục bộ của thành phố.
Đây là mệnh đề chính để khẳng định vai trò và vị thế của Phú Quốc trong sơ đồ phát triển quốc gia, trong không gian hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.
Đó cũng là cơ sở để xác định và đề xuất trao cho thành phố sứ mệnh “tiên phong – vượt trước” trong đội hình phát triển quốc gia, đẩy mạnh cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế, nhanh chóng vươn lên phát triển với thế giới trước hết là lĩnh vực dịch vụ – du lịch – nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới.
Phương thức chủ yếu để tạo cho Phú Quốc năng lực đó là bảo đảm cho thành phố có cơ chế phát triển đặc thù, được phép áp dụng các hình thức thể chế vượt trội, thí điểm một số chính sách mới có tác dụng tạo động lực phát triển, phù hợp với xu thế thời đại và điều kiện phát triển của thành phố.
Gợi ý chính sách
Với lợi thế hiện nay, Phú Quốc nên gia tăng lựa chọn thị trường du lịch đẳng cấp cao, khi tầng lớp trung lưu, khá giả lựa chọn sống sạch – xanh. Bên cạnh đó, ưu tiên kinh tế số – trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cao.
Nên xác định hệ mục tiêu tăng trưởng và phát triển “vượt bậc” của thành phố trên nền tảng tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của thành phố.
Nhận diện các yêu cầu và điều kiện thực hiện vai trò – vị thế đặc thù (đặc biệt) của Phú Quốc: nguyên tắc đặc thù – khác biệt – vượt trước về khung khổ thể chế – cơ chế; tính ưu tiên trong sự hỗ trợ phát triển quốc gia; tăng mức độ tự chủ của thành phố trong việc phân cấp, phân quyền hoạt động quản trị, điều hành hoạt động.
Thành phố cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nguồn lực và quyền được thí điểm mô hình, chính sách vượt trội để tạo động lực thúc đẩy Phú Quốc vượt lên, tập trung vào một số điểm:
Thứ nhất, ưu tiên hơn cho “hỗ trợ” (cơ chế, chính sách) nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn thay vì nỗ lực “xin ưu đãi” (ưu đãi tăng thu, giảm chi có lợi cho ngân sách địa phương, thêm vốn cho các dự án nhỏ lẻ…). Đặc biệt, ở các giai đoạn sau, khi Phú Quốc đã định hình các nền tảng phát triển hiện đại và có môi trường kinh doanh tốt.
Kết hợp hài hòa giữa “xin” thể chế tốt và “xin” dự án đột phá mạnh. Trong giai đoạn đầu, đặc biệt chú ý đến đòi hỏi phải có một số dự án và chương trình đột phá mạnh. Chẳng hạn, dự án Cảng Hàng không và Cảng Du lịch biển quốc tế, Dự án hạ tầng số, Chương trình tạo lập Môi trường (Hệ sinh thái) phát triển Bền vững – xanh – sạch…
Chú ý tương quan lợi ích do “cơ chế, chính sách đặc thù”, “thể chế vượt trội” và “quyền được thí điểm cơ chế, chính sách, mô hình phát triển mới” mang lại để có cách tiếp cận đúng đắn đến các “ưu tiên” nói trên về cơ cấu triển khai và tiến độ thực hiện.
Để tạo điều kiện Phú Quốc vươn tầm, trong giai đoạn đầu (ví dụ đến 2030), cần chú ý ưu tiên một số “cơ chế đặc thù” như tỷ lệ điều tiết thuế, phí và quyền quyết định đối với đất đai, dự án.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt xuyên suốt là “xin” được áp dụng “thể chế vượt trội” bao gồm chính sách xuất nhập cảnh, một số quyền tự chủ nhân sự, tổ chức bộ máy, hệ thống khuyến khích công việc và “quyền thí điểm cơ chế, chính sách mới”, “sand – box” cho khu công nghệ cao, kinh tế đêm.
Ví dụ, theo chính sách quản lý xuất nhập cảnh hiện nay, người nước ngoài nhập cảnh vào thành phổ Phú Quốc được miễn thị thực 30 ngày. Quy định này cần thay đổi với Phú Quốc, cho phép người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 90 ngày.
Thứ hai, về phía chính quyền trung ương, cần xem xét để Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo quốc gia đặc biệt.
Cụ thể, không trực thuộc tỉnh Kiên Giang về mặt hành chính, có tư cách đơn vị hành chính độc lập ở tầm quốc gia, sứ mệnh là Trung tâm Hội nhập Quốc tế – Cạnh tranh Toàn cầu.
Từ đó, thành phố được trao cơ chế đặc thù, thể chế vượt trội, dự án phát triển đặc biệt và quyền thí điểm hình mẫu phát triển mới. Điều này đòi hỏi Phú Quốc phải phát triển được như những trung tâm du lịch có sức hấp dẫn và cạnh tranh toàn cầu.
Thứ ba, cần tăng quyền, trao quyền tự chủ cao hơn cho Phú Quốc về ngân sách, quyết định dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, nhân sự và tổ chức bộ máy.
Đặc biệt, phát triển một số công trình như Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc và các chương trình đặc biệt thu hút tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tất nhiên, còn cần thêm các chính sách vượt trội, mang tính đột phá mạnh mẽ khác để Phú Quốc phát triển vượt trội, xứng tầm với lợi thế mà hòn đảo có được, để cạnh tranh toàn cầu. Đây là nhiệm vụ mang tính quốc gia, không chỉ riêng của Phú Quốc và chỉ cho Phú Quốc.
Nguồn Vietnamnet